Thật ra, tôi không thể làm gì khác tốt hơn cho con tôi. Cái khó bao giờ nó bó cũng cái khôn. Ngày trước, mỗi lần tham gia những cuộc hội thảo trong cộng đồng, thấy vài em tự kỷ gốc Việt biểu diễn sự tiến bộ về ngôn ngữ và hành vi là nhờ cha mẹ bỏ tiền thuê mướn các chuyên gia kèm dạy ở gia đình mà tôi cảm thấy tủi, ước ao mình trúng số có tiền để cho con được nhiều dịch vụ và có cơ hội trở lại bình thường như con thiên hạ thì hạnh phúc lắm thay! Ở Mỹ, con tôi chưa từng được 1 giờ can thiệp hành vi ABA. Nó cũng chưa từng được trị liệu theo bất cứ phương pháp nào.
Đưa con đi xin dịch vụ, họ nói không thì tôi chỉ biết cúi đầu, lặng lẽ bước về, chẳng cần van xin, qùi lụy, hoặc oán hờn ai. Vậy mà, ông Trời vẫn còn đức hiếu sinh, các bạn ạ. Năm con tôi 3 tuổi, nó bắt đầu bập bẹ nói. Tiếng nói đầu đời của nó không phải dùng gọi cha, gọi mẹ, mà là gọi tên những đồ chơi, đồ vật trong phòng. Bằng cảm tính, tôi nghĩ mình có thể dạy con qua hình ảnh.
Lúc đó, tôi chẳng biết PECS là gì, cũng chẳng biết Floortime ra sao. Một ngày nọ, tôi tìm ra cửa tiệm Lakeshore và bắt đầu mua sắm nhiều trợ cụ để dạy con ở nhà. Nói chẳng ai tin, chứ cuốn tự điển hình 1000 chữ mà chỉ trong vòng 4 tháng, hỏi đâu nó trả lời trúng đó.
Rồi, để tập con viết, tôi mua nhiều loại sách và bút tập con tô mầu từ ngày nầy qua ngày khác để tăng sức mạnh của bàn tay. Mà thật, chừng 6 tháng sau, nó cầm bút rất vững, viết không vụng về như tôi khi còn bé. Và sau đó, nếu không sáng thì trưa, hai cha con tôi cứ theo lịch trình sinh hoạt mà vào những siêu thị, cửa hàng để thực tập vấn đáp.
Tôi dạy nó tập đếm số thứ tự và mầu sắc theo hàng, theo kệ, dạy nó biết nơi nào là quày thịt, quày cá, và muốn ăn kem thì phải nói đúng ít nhất 10 loại trái cây khác nhau, hoặc muốn được mua đồ chơi ở tiệm kế tiếp thì phải ngoan, biết kiên nhẫn cùng tôi sắp hàng chờ đợi trả tiền, biết nói “thank you” và “have a nice day” với các nhân viên bán hàng. Còn nữa, để tập con vận động cơ bắp, tôi dẫn nó vào những tòa nhà lớn, cùng đi lên xuống cầu thang theo nhịp nhanh, nhịp chậm, hoặc ra công viên chơi ném banh với nhiều trẻ khác vào mỗi chiều.
Một thời gian sau, từ đứa trẻ kén ăn, khó ngủ, nó trở nên dễ chịu, chân tay cứng cáp, và mạnh mẽ hơn xưa. À, sau khi thằng bé bị trường công lập chê vì thích quậy và chẳng biết nghe lời, tôi hành động đúng khi đem con ra ngoài trường tư cho nó học đúp 2 năm nhà trẻ.
Lúc nó 5 tuổi, tôi đem nó trở lại trường mẫu giáo thì ai cũng ngạc nhiên vì họ thấy nó ngoan, học được và có khả năng hòa nhập tốt. Ở Mỹ, ngoài 60 phút trị liệu ngôn ngữ mỗi cuối tuần ở trung tâm, con tôi chưa từng theo học những lớp học đặc biệt. Nó học lớp thường với những em không bị khuyết tật khác. Lúc đầu trường còn cho phụ giáo đi theo, nhưng lên lớp 1 thì tôi thấy không cần thiết và yêu cầu họ chấm dứt sự hỗ trợ nầy để con tôi không bị các bạn cười chê.
Họ đồng ý cái rụp. Về sau, tôi bắt đầu đọc sách vở về tự kỷ thì mới khám phá ra rằng. mèn ơi, mấy năm trước những gì mình dạy con theo cảm tính thì lại có phần … hao hao, giống giống những nguyên tắc của PECS, của Floortime, thậm chí của TEACCH, và của cả ABA.
Ví dụ, mỗi sáng thức dậy, tôi có thói quen suy nghĩ và soạn sẵn mục tiêu nào đó mà trong ngày con phải học và hiểu ở những môi trường tự nhiên như tập đếm cá goldfish bơi trong hồ từ 1 đến 5, tập phân biệt những mầu sắc căn bản ở chợ trái cây, hoặc phải biết chơi và nhường nhịn như thế nào với những trẻ cùng độ tuổi với nó ở công viên. Thời đó, tôi khuyên người thân nên nói chuyện với con tôi bằng tiếng Việt hay tiếng Anh thì phải nói chậm và dùng câu thật ngắn.
Còn nữa, trẻ tự kỷ thường nói đảo ngược chủ từ. Tính ra tôi phải mất gần 3 năm mới trị dứt nọc cái tật nầy của con tôi. À, tôi thấy trẻ tự kỷ, đặc biệt là những trẻ nói được và không bị khuyết tật trí tuệ, có sức vươn lên mạnh nhất là vào lúc 4 tuổi, 6 tuổi, và 9 tuổi. Nhưng ở tuổi 12, 13 trở đi thì khả năng học tập phát triển không bằng giai đoạn trước, đòi hỏi mình phải thay đổi tư duy và tìm cách hỗ trợ khác.
Mười năm nhìn lại thì thấy tự kỷ cũng chẳng đến nỗi nào, dù chặng đường kế tiếp chẳng biết sẽ ra sao, chỉ biết ngày mỗi ngày phải sống lạc quan và cố gắng hết mình vì con vậy.
Chuyện ngày mai, mai tính. Ngủ đây.