GFCF diet là đề tài rất nhạy cảm và hiện chưa được giới y học chấp nhận rộng rãi vì chưa có nhiều bằng chứng thuyết phục về mặt khoa học – unestablished treatment.
Phụ huynh cần đọc và sàng lọc hết sức cẩn thận về đề tài nầy.
Thành thật cảm ơn.
….
Vào thập niên 90, vấn đề dị ứng với thực phẩm trong đời sống của nhiều trẻ bị rối loạn phổ tự kỷ đã trở thành một trong những mối quan tâm lớn nhất trong giới y học ở Hoa Kỳ. Nhiều chuyên gia dinh dưỡng, đặc biệt là các nhà sản suất GFCF, cho rằng trẻ tự kỷ thường xuyên bị tiêu chảy (chronic diarrhea) bởi vì các thức ăn hàng ngày có chứa chất đạm “gluten” từ lúa mì (wheat), luôn cả chất đạm “casein” từ sữa bò (cow’s milk), sữa dê (goat’s milk), sữa hộp (cow’s milk-based formulas), v.v…, là nguyên nhân tạo nên những dị ứng đường ruột (allergic intestinal irritation), hoặc hội chứng rò rỉ, không thể sa thải độc tố và hấp thụ các chất dinh dưỡng cần thiết (leaky gut syndrome) cho cơ thể, khiến các chức năng miễn nhiễm bị hủy hoại, gây tê liệt cho hệ thống thần kinh trung ương.
Chế độ ăn kiêng gluten / casein (gluten-free/casein-free diet or GFCF) là gì?
Chế độ ăn kiêng GFCF đòi hỏi người tiêu thụ phải loại bỏ tất cả những thức ăn có chứa những chất đạm (protein) gây dị ứng hay tác hại nghiêm trọng cho bộ phận tiêu hóa. Gluten là chất đạm trong lúa mì (wheat), kiều mạch (buckwheat), yến mạch (oats), đại mạch (barley), lúa mạch đen (rye), bao gồm cả những sản phẩm chế biến từ tinh bột dùng để làm bánh, nấu ăn (food starches), mạch đường (malt), xì dầu (soy sauce), hương vị và mầu sắc nhân tạo trong thực phẩm (flavorings and artificial colors). Còn casein là chất đạm trong sữa động vật (cow’s milk, goat’s milk), bơ (butter), phó mát (cheese), sữa chua (yogurt), kem (cream and ice cream), kể cả xúc xích (hot dogs), cá thu đóng hộp (canned tuna), kem sữa dùng trong thức uống (non-dairy whipped toppings), bơ nhân tạo (artificial butter or margarine), các loại khoai tây chiên (French fries) trong các cửa hàng phục vụ nhanh.
Cần phân biệt chế độ GFCF diet dành cho trẻ tự kỷ khác với sự ăn kiêng vì dị ứng (ketogenic diet), có thể nguy hiểm đến tính mạng, với các thức ăn chế biến từ lúa mạch, sữa, đậu hột của những trẻ bị động kinh thường xuyên - phải cần sự quan sát, chăm sóc y tế riêng bởi các bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng.
Rối loạn phổ tự kỷ và chế độ ăn kiêng gluten/casein
Vào những năm 60 ở Hoa Kỳ, chế độ ăn kiêng GFCF bắt đầu được áp dụng để trị liệu cho các bệnh nhân bị rối loạn tâm thần và hành vi ở các trung tâm, bệnh viện. Riêng về rối loạn phổ tự kỷ, các chuyên gia đưa ra 2 giả thuyết để biện minh cho sự công dụng của chế độ ăn kiêng GFCF như sau:
1) GFCF đối với sự nhạy cảm các thức ăn (food sensitivity): Nhiều phụ huynh nhận thấy con em tự kỷ thường bị dị ứng với nhiều loại thức ăn hàng ngày trong gia đình. Các chuyên gia nói sự khó khăn về tiêu hóa là nguyên nhân gây nên sự đau đớn, khó chịu triền miên khiến trẻ có những hành vi tiêu cực, mất ngủ thường xuyên, và không muốn giao tiếp xã hội.
2) GFCF và lý thuyết về sự thừa thải các độc chất gây nghiện (Opioid-Excess Theory): Một số chuyên gia cho rằng đường ruột của trẻ tự kỷ thiếu chất enzyme đặc biệt (special intestinal enzymes), gọi là DPP-IV, để giúp tiêu hóa chất đạm, gọi là gluten, từ lúa mì, lúa mạch, và chất đạm, gọi là casein, từ sữa và những sản phẩm phụ khác. Những rối loạn về điều hòa, hấp thụ gluten và casein sẽ gây nên sự tích tụ chất đạm thành những tảng lớn trong cơ thể và có tác động gây nghiện - như chất morphine và thuốc giảm đau vicodin - khiến đường ruột bị rò rỉ, dẫn đến rối loạn giác quan, đè nén và hủy hoại các chức năng của não bộ.
Theo lý thuyết Opioid – Excess, nhóm độc tố (peptide groups) tiết ra từ gluten và casein thường theo đường ruột thấm vào máu, một số trẻ tự kỷ chẳng tỏ ra đau đớn khi vấp ngã hoặc khi tự đập đầu, cào cấu mình mẩy là vì hệ thống thần kinh bị tê liệt bởi độc chất từ gluten và casein – cũng hệt như người bị ảo giác bởi chất gây nghiện trong cần sa, ma túy. Vì vậy, lý thuyết Opioid - Excess cho rằng sự loại bỏ gluten và casein trong thức ăn sẽ giúp trẻ tự kỷ phục hồi chức năng tiêu hóa và trở lại bình thường.
Về mặt y học, lý thuyết Opioid- Excess hoàn toàn bị bác bỏ vì không có đủ bằng chứng thuyết phục về mặt khoa học trong nhiều năm qua. Đây chính là nguyên nhân tạo nên nhiều sự tranh cãi quyết liệt giữa các nhóm chủ trương áp dụng chế độ ăn kiêng ăn GFCF và các cộng đồng y tế trên thế giới hiện nay.
Ở Hoa Kỳ, nhiều mạng xã hội, điển hình là the GFCF Diet (www.gfcf.com.) luôn mạnh mẽ và tuyên bố rằng –
“Phụ huynh sẽ được mọi điều và … chẳng có gì để mất cả!” Bởi vì, “Các trung tâm nghiên cứu rối loạn phổ tự kỷ đã thực hiện những cuộc thăm dò ý kiến phụ huynh và kết luận chế độ ăn kiêng gluten / casein là một trong những phương pháp can thiệp rối loạn phổ tự kỷ thành công và có hiệu quả nhất!”
Những chuyên gia trên mạng GFCF khuyên phụ huynh nên tạo áp lực buộc các bác sĩ trong cộng đồng y học phải thối bước và công nhận chế độ ăn kiêng GFCF, mặc dù tính hiệu quả chỉ dựa vào sự tự thuật của phụ huynh (anecdotes from parents) và xưa nay chưa từng được đề cập đến trong văn chương y học (medical literature). Mạng GFCF còn cung cấp nhiều thông tin về cách thức bắt đầu chế độ ăn kiêng, bán sách vở hướng dẫn nấu nướng các thức ăn đặc biệt.Ngoài ra, mạng GFCF còn liệt kê những danh sách thức phẩm có và không có gluten / casein để cảnh báo người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Ở California, nhóm Talk About Curing Autism (www.tacanow.org) lập riêng trang “GFCF Diet on a Budget” để chỉ dẫn phụ huynh cách thức quản lý ngân qũi gia đình khi bắt đầu chế độ ăn kiêng, ví dụ, dấu hiệu $$$ có nghĩa là tổn phí mua những thức ăn làm sẵn, và $ là sự tốn kém nếu phụ huynh tự nấu hay lo liệu những bửa ăn GFCF trong gia đình. TACA còn đưa ra nhiều thông tin về cách đọc nhãn hiệu trên sản phẩm, về những nguồn thức ăn chứa gluten / casein nhưng không khai báo cho người tiêu thụ, bao gồm những mặt hàng thuộc các công ty nào sản xuất có chứa gluten / casein.
Trong cuốn the Autism Book (2010), Bác Sĩ Robert W. Sears, một nhân vật quan trọng thuộc trường phái GCFC ở California, nói rằng muốn bắt đầu áp dụng chế độ kiêng ăn cho con em tự kỷ thì phụ huynh phải kiên nhẫn và thay đổi những thức ăn có chứa chất casein trước rồi mới đến các thức ăn có chứa gluten. Theo lời phụ huynh kể lại, sự loại bỏ casein thường có hiệu quả nhanh hơn gluten. Bác Sĩ Sears gợi ý sự kiêng cử các thức ăn, thức uống có chứa chất đạm casein, và đó là -
• Sữa bò, sữa dê, sữa hộp.
• Phô mai, sữa chua, sữa đâu nành (soy milk), bơ, kem.
• Chất đạm chiết từ sữa, phô mai (whey protein) bằng cách đọc nhãn hiệu sản phẩm.
Bác sĩ Sears nói rằng phụ huynh có thể thay thế những thức ăn trên bằng những loại thực phẩm không có chứa chất đạm casein, và đó là -
• Sữa gạo hay nước gạo (rice milk or rice water).
• Sữa từ hạt hạnh nhân (almonds) hoặc sữa từ hạt phỉ (hazelnuts).
• Sữa chiết từ khoai tây (potato milk).
• Sữa dừa (coconut milk).
• Sữa chua “đặc biệt”, phô mai, bơ, kem không làm ra từ sữa.
Bác Sĩ Sears khuyên phụ huynh nên tránh những thức ăn có chứa chất đạm gluten cho con em tự kỷ, và đó là -
• Lúa mì (Wheat), yến mạch (oats), đại mạch (barley), lúa mạch đen (rye).
• Lúa mì spenta (spelt), lúa mì cứng (semolina), lúa mì lai giống (triticale), bột kamut.
Những thực phẩm trên có thể thay thế bằng thay thế bằng những loại không chứa gluten, và đó là -
• Gạo, bột tapioca, rhubarb, bột đậu garbanzo, garfava.
• Đậu lăng (lentils), bắp.
• Những sản phẩm làm sẵn nhưng không chứa chất gluten (gluten –free prepared products).
Nói chung, các chuyên gia GFCF không khuyến khích dùng những thức ăn ngọt, bởi vì đường có tác động tạo men đường ruột, thay đổi hành vi, trạng thái của trẻ tự kỷ, và thịt cá phải có xuất xứ từ các nguồn nuôi thiên nhiên, ít mỡ.
Những nguồn ăn kiêng và sử dụng thực phẩm GFCF cao cấp khác (advanced dietary restrictions)
Sau khi theo chế độ ăn kiêng gluten/casein một thời gian, trẻ tự kỷ phải thay đổi thức ăn nếu vẫn còn chứng tiêu chảy và nhiễm men trong bộ phận tiêu hóa bằng một phương thúc mới, cao cấp hơn, gọi là sự kiêng cữ carb (special carbonhydrate diet), viết tắt SCD.
Trong cuốn Autism: Effective Medical Treatments, các chuyên gia Pangbon và Baker cho rằng sự kiêng cữ carb là điều cần thiết cho sự điều tiết, tránh lên men đường ruột gây khó chịu cho trẻ tự kỷ, bao gồm những thức ăn chứa nhiều carbs phải loại bỏ dưới đây:
• Những loại trái cây, rau đóng hộp, hoặc sấy khô với đường, sốt cà chua (ketchup), thạch đông lạnh (jelly).
• Khoai tây, khoai ngọt, đậu đen, đậu pinto, đậu kidney.
• Tất cả các loại lúa mì, lúa mạch.
• Xúc xích và các loại thịt cá đóng hộp, hoặc bơ, phó mát, biến chế cho thức ăn nhanh.
• Các loại đậu rang tẩm đường (roasted and sweetened nuts)
• Các loại sữa bò, sữa dê, nước gạo, đậu nành, nước dừa đóng gói và nước giải khát (soda).
Theo lý thuyết về chế độ kiêng cữ carbs (SCD), trẻ rối loạn phổ tự kỷ phải ăn uống những thức ăn có sự cân nhắc và tính toán kỹ lưỡng, bao gồm:
• Trái cây – hầu hết các loại trái cây tươi, đông lạnh, sấy khô không có đường hoặc những hợp chất khác.
• Những thực phẩm có chất đạm từ thịt, cá tươi hay đông lạnh, trứng, phô mai, bơ, kem không chế biến từ sữa.
• Rau cải – hầu hết các loại tươi hoặc đông lạnh, sống hoặc nấu chín.
• Đậu – dùng bột đâu thay cho tinh bột từ lúa mì, lúa mạch.
• Thức uống – tất cả những loại nước ép từ trái cây, hoa quả tươi.
Trong cuốn Breaking the Vicious Cycle, chuyên gia Elaine Gottschall nêu rõ sự khác biệt giữa chế độ ăn kiêng carbs và casein. Mạng www.SCdiet.org. có nhiều thông tin về sự kiêng cữ carbs dành cho phụ huynh và chuyên gia muốn tìm hiểu về các loại thức ăn thích hợp cho những trường hợp dị ứng của trẻ tự kỷ. Mong phụ huynh đọc thận trọng.
Giới y học và những chuyên gia tự kỷ nghĩ gì về chế độ ăn kiêng gluten và casein?
Những trắc nghiệm để truy tìm độc chất gây nên bởi gluten/casein, chẳng hạn thử men đường ruột, tìm ký sinh trùng, phân, nước tiểu đều không có giá trị về mặt y học - chỉ là những hình thức vô bổ, gây tốn kém tiền bạc và thời gian của phụ huynh.
Năm 2009, the National Autism Center’s National Standards Project đã đánh giá và xếp hạng chế độ kiêng ăn gluten và casein vào hạng mục trị liệu rối loạn phổ tự kỷ không có bằng chứng khoa học – unestablished treatment.
Vì sao chế độ ăn kiêng gluten / casein cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ bị đánh giá quá thấp?
Ở Hoa Kỳ, chế độ ăn kiêng gluten / casein được áp dụng trị liệu hành vi và các chứng rối loạn tâm thần vào thập niên 60, sau khi giới y học thu thập đầy đủ dữ kiện và khẳng định rằng mức độ bệnh tâm thần phân liệt (schizophrenia) của các sắc dân ở các quần đảo Nam Thái Bình Dương (South Pacific Islands Societies) có tỷ lệ quá thấp so với nhiều nơi khác. Có thể, đó là vì trong sự tiêu thụ thực phẩm hằng ngày, họ không dùng lúa mì hoặc sữa như những chủng tộc khác ở xã hội Phương Tây. Năm 1979, ý tưởng áp dụng chế độ ăn kiêng gluten / casein vào mục đích trị liệu những biểu hiện rối loạn phổ tự kỷ bắt đầu dấy động khắp nơi, tạo nên nhiều sự tranh luận giữa các phe bênh vực vì lợi ích nhóm (conflict of interests), và phe chống đối vì cần những bằng chứng thuyết phục về tính hiệu quả của GFCF đã nổ ra trên khắp các diễn đàn y học.
Từ trước đến nay, chưa từng có những nghiên cứu qui mô và rộng lớn về tác động của chế độ ăn kiêng gluten / casein nào được thực hiện với kết quả vừa có tính khoa học, vừa có tính khách quan. Hầu hết những dữ kiện thuộc về chế độ kiêng cữ nầy đều dựa vào sự tường thuật của một số phụ huynh, và đương nhiên, điều nầy rất khó được tin cậy. Vì sao?
Rất đơn giản, trong con mắt của giới y học, bằng chứng khoa học về một phương pháp trị liệu rối loạn phổ tự kỷ nào đó không thể căn cứ vào sự nhận xét chủ quan của nhóm chủ xướng, hoặc sự nhận định thiếu trung thực dựa vào những mẫu thẩm định nhỏ (small samples) trong một vài trường hợp cá biệt.
Năm 2006, 15 trẻ tự kỷ, tuổi từ 2 đến 16, được lựa chọn để tham gia vào 2 nhóm nghiên cứu về tác động của chế độ ăn kiêng gluten/casein trong vòng 12 tuần lễ. Một nửa các em trong nhóm A được các chuyên gia cho ăn uống kiêng cữ trong 6 tuần đầu, và ngược lại, trong 6 tuần lễ sau, các em được chuyển đổi sang thức ăn bình thường. Sự trắc nghiệm nầy cũng được áp dụng tương tự như thế với nhóm B. Kết quả là cả 2 nhóm A và B đều không có sự khác biệt đáng kể nào về độc chất (peptide) gây nên bởi gluten và casein qua kết quả thử nghiệm nước tiểu. Thêm vào đó, sự đo lường khả năng chú ý, đáp trả khôn ngoan bằng lời, kể cả hành vi của các em qua bài thẩm định tự kỷ có thang bậc (the Childhood Autism Rating Scale or CARS) hoàn toàn chẳng có sự tiến bộ nào so với thời gian trước cuộc thử nghiệm.
Năm 2010, một cuộc điều tra khác được thực hiện, dựa vào sự báo cáo của 14 công trình nghiên cứu khác nhau về chế độ ăn kiêng GFCF, bao gồm số lượng trẻ tự kỷ tham gia từ 1 đến 50, tuổi từ 2 đến 17, và có 67% là nam giới. Thời gian trắc nghiệm kéo dài từ 4 ngày đến 4 năm. Những dữ kiện về hành vi được thu thập qua các cuộc phỏng vấn, quan sát trực tiếp, đo lường lượng enzymes, kháng chất, độc chất từ gluten / casein qua xét nghiệm nước tiểu và kết quả thẩm định từ những bài trắc nghiệm chuẩn. Cuối cùng, các chuyên gia tự kỷ tuyên bố rằng vấn đề trị liệu tự kỷ bằng phương pháp GFCF là vô căn cứ, hoàn toàn phản khoa học. Họ nói, tất cả những chứng cớ biện minh cho tính hiệu quả của chế độ kiêng cữ GFCF chỉ là những cảm tưởng chủ quan và hy vọng ảo của phụ huynh khi thay đổi thực phẩm cho con em tự kỷ ở gia đình.
Năm 2003, giới y học quả quyết rằng họ có bằng chứng cho thấy sự kiêng cữ GFCF có thể đem đến nhiều tổn hại nghiêm trọng về sức khỏe cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ, bởi vì cơ thể của các em sự mất cân bằng về các chất dinh dưỡng cần thiết so với các nhóm ăn uống bình thường khác.
Năm 2008, một cuộc nghiên cứu về độ dầy và cứng của xương (bone thickness) từ 75 bé trai bị tự kỷ cho thấy nguy cơ của những em ăn kiêng chất casein trong sữa tăng gần gấp đôi so với những trẻ không kiêng ăn sữa.
Những trở ngại trong sự duy trì chế độ ăn kiêng gluten / casein cho trẻ tự kỷ trong gia đình
Nhiều phụ huynh than thở rằng chế độ ăn kiêng gluten / casein rất khó thực hiện nếu con em tự kỷ còn nhỏ tuổi, chưa thể dùng ngôn ngữ để diễn đạt những gì theo ý muốn. Sự chạy cơm, chạy nợ vất vã trong đời sống để tăng mức thu nhập thường là những trở ngại rất lớn cho phụ huynh trong sự duy trì chương trình hoặc kế hoạch trị liệu bằng những phương pháp ăn kiêng. Phụ huynh kể, ở nhà trường, mỗi ngày họ phải chuẩn bị tất cả những phần ăn đặc biệt cho con em; còn ngoài xã hội, ngay cả những lúc tham gia vào những cuộc hội hè, họp mặt, hoặc trong những buổi tiệc tùng ở các cửa hàng, quán ăn cùng thân nhân và bè bạn thì họ cũng phải mang theo những thức ăn, thức uống riêng cho con mình theo sự đòi hỏi của chế độ ăn kiêng. Đó là chưa kể lúc trẻ lớn lên, sự kiểm soát tiêu thụ thực phẩm mỗi bữa, mỗi ngày đối với các em là điều không hề đơn giản và phụ huynh không thể nào lường trước được.
Ở Hoa Kỳ, phương pháp GFCF diet đòi hỏi phải đầy đủ thịt, rau cải, và những sản phẩm không chứa chất đạm gluten và casein có giá cả đắt gấp đôi, gấp ba lần so với những loại thực phẩm thường - khác xa với những quảng cáo trên các mạng GFCF diet về tổn phí thật sự sau khi bắt đầu chế độ ăn kiêng. Riêng những phụ huynh ở các vùng hẻo lánh, sự tìm kiếm các thức ăn đặc biệt đòi hỏi phải đi xa hơn nơi cư ngụ, hoặc phải đặt mua các sản phẫn GFCF qua đường bưu điện hay UPS với giá cả có thể gây nên sự thâm thủng ngân qũi eo hẹp của gia đình.
Trẻ tự kỷ có khuynh hướng chống đối kịch liệt khi buộc phải ăn theo bất cứ phương pháp dinh dưỡng nào. Ngoài thời gian tham khảo và liên tiếp theo dõi kết quả của nhiều loại thức ăn đặc biệt với bác sĩ và các chuyên gia dinh dưỡng, sự chuẩn bị kế hoạch thay đổi nề nếp, giờ giấc, cách thức ăn uống riêng cho trẻ tự kỷ có thể dẫn đến những cuộc tranh cãi căng thẳng, mất hòa khí giữa vợ chồng, các con và những thành viên khác trong gia đình vì … chế độ ăn kiêng gluten / casein!