Massachusetts. Nơi đây, họ tổ chức nhiều khóa huấn luyện phụ huynh theo cách thức dạy con tự kỷ dựa vào kinh nghiệm của bản thân họ, gọi là lý thuyết Son-Rise – một phương pháp đối nghịch hoàn toàn với chủ trương thay đổi hành vi tự kỷ của ABA, hoặc chống lại sự áp đặt trẻ trong khuôn khổ và nề nếp của TEACCH, và rất khác lạ so với trọng tâm phát triển kỹ năng qua cách chơi đùa tự nhiên, giáo dục trẻ bằng hình ảnh của Floortime hoặc PECS.
Son-Rise hay phương pháp trị liệu trẻ tự kỷ ở gia đình tuyệt đối không khuyến khích phụ huynh ngăn chặn hoặc tìm cách thay đổi những biểu hiện tiêu cực của trẻ tự kỷ. Thay vào đó, phụ huynh nên chấp nhận, không trách phạt, và phải cách bắt chức những hành vi của trẻ trong sinh hoạt hằng ngày để tiếp cận, bắt đầu bằng lối chơi song hàng (parallel play), rồi dần dần tạo sự gần gũi, niềm tin cho trẻ trong một môi trường trị liệu an toàn và thân thiện nhất. Về lý thuyết, Son-Rise là cách thức trị liệu có tính “độc quyền” (exclusively) giữa phụ huynh và con em tự kỷ ở gia đình.
Son-Rise và Cách Thức Trị Liệu Tự Kỷ ở Gia Đình
Son-Rise, đôi khi còn gọi là Phương Pháp Lựa Chọn (Options Method), ra đời sau những năm tháng trải nghiệm đầy khổ nhọc, tận tụy, chấp nhận, thương yêu và hy sinh vô tận của ông bà Kaufman dành cho đứa trai đứa con trai bị tự kỷ tên Raun. Lúc nhỏ, Raun không có khả năng dùng ngôn ngữ để diễn đạt ý muốn, thường có những động tác, hành vi, cử chỉ rập khuôn (steotyped), lặp đi lặp lại, ưa lắc mình, tâm trí luôn bận rộn và bị cuốn hút bởi những đồ vật, đồ chơi, thiếu phản ứng với tiếng động quanh mình, và sinh hoạt như câm, như điếc trong thế giới riêng tư, chẳng muốn gần gủi một ai trong gia đình.
Thay vì đưa con vào bệnh viện tâm thần để được trị liệu theo lời khuyên của bác sĩ, bởi vì tự kỷ là căn bệnh kéo dài suốt cả cuộc đời, ông bà Kaufman tìm cách giữ con trong gia đình và dạy con theo một phương pháp rất khác thường do họ tự biên và tự diễn. Kết quả là Raun, từ cậu bé với chỉ số thông minh dưới 30 điểm và có chẩn đoán bị tự kỷ thuộc dạng nặng, cuối cùng lột xác để trở thành một biểu tượng nhờ Son-Rise mà vực dậy và thành công rạng rỡ ...
Son-Rise định nghĩa tự kỷ là sự rối loạn về mối tương giao hay quan hệ giữa phụ huynh và trẻ tự kỷ trong gia đình (relational disorder). Ông bà Kaufman cho rằng nếu muốn tạo niềm tin và sự an toàn cho trẻ thì trước tiên phụ huynh nên có thái độ chấp nhận, chứ không nên chỉ trích hoặc trách phạt những hành vi tiêu cực của con em tự kỷ.
Son-Rise đề cao vai trò quan trọng của phụ huynh và nhấn mạnh 3 nguyên tắc chính trong quá trình trị liệu tự kỷ như sau:
1) Phụ huynh phải tìm cách tạo dựng một môi trường không gây sự phân trí (creating a distraction-free setting) đến mức tối đa trong gia đình nhằm tạo cơ hội cho trẻ phát triển mối quan hệ “độc quyền” với phụ huynh. Căn phòng nơi trẻ sinh hoạt nên được trang trí bằng những mầu sắc, ánh đèn thích hợp, và sàn nhà không nên có bất cứ đồ chơi, đồ vật gây sự cuốn hút hay bận rộn cho trẻ.
2) Phụ huynh nên bắt chước hành vi và ngôn ngữ riêng của trẻ tự kỷ để gia nhập (joining) sinh hoạt cùng con trong gia đình. Khác với ABA với chủ đích huấn luyện và thay đổi hành vi theo sự mong muốn của xã hội, Son-Rise khuyến khích phụ huynh nên quan sát, tiếp cận với con mình bằng cách lặp lại cử chỉ và hành động bằng lời hoặc không bằng lời của trẻ qua lối với chơi song hàng (parallel play) hoặc giữ khoảng cách chừng vài mét, rồi từ từ tiến gần hơn để nhập cuộc và tạo nên sự thân mật với trẻ.
3) Phụ huynh nên giúp con biết dùng mắt nhìn người khác trong giao tiếp xã hội. Son-Rise huấn luyện phụ huynh trờ thành những người mẫu để dạy con tự kỷ biết duy trì sự giao tiếp bằng mắt. Ví dụ: Phụ huynh có thể đối diện ngang tầm với một khoảng cách vừa phải với trẻ, rồi từ từ đưa chiếc xe, hoặc chiếc tàu lửa trẻ ưu thích lên trước mắt để dụ trẻ nhìn mình. Và một khi trẻ biết nhìn hoặc thực hiện thành công động tác do phụ huynh dẫn dắt thì tất cả sẽ biểu lộ sự vui mừng bằng cách reo hò, nhảy múa, tạo hứng khởi cho trẻ biết hành động tương tự về sau.
Son-Rise – Kẻ khen, người chê như thế nào trên mạng?
Hầu hết những thông tin về Son-Rise đều xuất phát trang mạng của ATCA, gọi là Chương Trình Chọn Lựa (Option Program) ở Sheffield, Massachusetts.
Những người bênh vực Son-Rise thường dẫn chứng những câu chuyện do phụ huynh kể lại về sự thành công và “dứt nọc” tự kỷ của con em họ qua nhiều năm tháng trị liệu bằng phương pháp Son-Rise. Họ nói, con em họ giờ đây biết giao thiệp bằng ngôn ngữ, biết gần gũi, thân thiện, hòa mình trong xã hội, và rất khác xưa. Ngược lại, những người chống đối Son-Rise thì cho rằng trường phái nầy có lối tổ chức hoặc điều hành theo kiểu giáo phái (cult-like) nhằm biến phụ huynh thành những tín đồ ngu muội. Họ nói, rất khó cho phụ huynh tạo dựng một môi trường trị liệu cho trẻ tự kỷ đến mức tối đa (optimal therapeutic environment) đúng theo sự đòi hỏi của chủ thuyết Son-Rise. Thêm vào đó, họ không tin vào sự hồi phục huyền diệu của Raun và cho rằng có thể lúc nhỏ Raun chỉ bị chậm nói, hoặc bị tự kỷ thuộc dạng nhẹ, chứ không nghiêm trọng như những trẻ em bị tự kỷ khác.
Những chuyên gia tự kỷ nhận định như thế nào về Son-Rise?
Son-Rise là phương pháp trị liệu khác hẳn với tất cả những cách thức can thiệp hành vi và giáo dục trẻ tự kỷ hiện nay. Lý thuyết của Son-Rise về sự quan hệ giữa phụ huynh và trẻ tự kỷ (relational approach) trong gia đình là một trong những trở ngại lớn cho những ai muốn đánh giá tính hiệu quả của phương pháp nầy. Hơn nữa, Son-Rise khuyến khích những hành vi tự kỷ, buộc phụ huynh bắt chước và tham gia vào những hoạt động không có chủ đích với con em tự kỷ trong gia đình là điều rất khó chấp nhận. Sở dĩ ABA nổi trội và được nhiều người ưa thích là vì ABA chủ trương can thiệp nhằm loại bỏ những biểu hiện tiêu cực, phát huy những mặt mạnh, giúp trẻ tự kỷ tiến bộ và có khả năng hòa nhập trong tương lai bằng những mục tiêu có thể đo lường và đo lường được (to be measured and measuarable goals) qua từng chặng thời gian trị liệu. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến nhiều chuyên gia đương thời không thể tiến hành những cuộc trắc nghiệm khoa học đối với Son-Rise.
Năm 2006, ATCA hợp tác cùng 2 đại học lớn ở Hoa Kỳ để tiến hành những đợt thăm dò về tính hiệu quả của Son-Rise đối với trẻ tự kỷ. Tuy nhiên, mãi cho đến ngày nay, người ta vẫn chưa có những báo cáo chính thức về kết quả của công trình nghiên cứu nầy.
Năm 2009, the National Autism Center’s National Standards Project loại bỏ Son-Rise ra khỏi danh sách những phương pháp can thiệp tự kỷ có kết quả tốt và đáng tin cậy vì không đủ bằng chứng thuyết phục về mặt khoa học.
Tổn phí trị liệu về thời gian và tiền bạc theo phương pháp Son-Rise
Hằng năm, ATCA có tổ chức các đợt huấn luyện phụ huynh ở Sheffield, Massachusetts với tổn phí là 2 ngàn 2 trăm đô cho một khóa học kéo dài trong 5 ngày. Những phụ huynh đi trước kể rằng chương trình Son-Rise bắt buộc phụ huynh phải hy sinh rất nhiều thời gian trị liệu cho con em tự kỷ ở gia đình, thường là một đối một (one-on-one therapy), chừng 40 đến 70 tiếng 1 tuần trong vòng 2 đến 3 năm trước khi trẻ tự kỷ lên 6 tuổi. Sự đầu tư về thời gian nầy là một khó khăn rất lớn cho công ăn việc làm và chăm sóc những thành viên khác trong gia đình của phụ huynh. Họ nói, càng tiếp tục trị liệu theo Son-Rise thì tổn phí lại càng chồng chất, rằng Son-Rise là phương pháp trị liệu không thực tế, gây nhiều tốn kém vô ích, uổng phí thời gian cho phụ huynh có con em tự kỷ thuộc bất cứ tầng lớp kinh tế hay địa vị nào trong xã hội hiện nay.
……. ST: facebook Danang Ho