8.228. Cầm thìa ăn một mình: Trước tiên, dạy trẻ cầm và giữ cẩn thận chiếc thìa trong tay, để lấy đồ ăn. Trong những lúc ban đầu, dùng những loại đồ ăn mà trẻ yêu thích, như kem, bột khoai tây. Hướng dẫn trẻ múc đồ ăn và đưa lên miệng. Tay bạn cầm tay trẻ ở khớp xương và từ từ lên dần cho tới cùi chỏ. Tay bạn nới lỏng dần dần. Khi nào trẻ biết ăn một mình thì không cần giúp nữa. Để gần trẻ một dấu hiệu. Và giải thích cho trẻ biết rằng khi đặt tay vào đó có nghĩa là không còn muốn ăn nữa. Chúng ta tôn trọng lời từ chối của trẻ. Tôn trọng nghĩa là không ép buộc, nài nỉ hay là “lập tức trở lui”, đút lại cho trẻ ăn, vì lo sợ trẻ đói.
8.229. Từ khi trẻ biết ăn bằng thìa một mình, không còn cho phép dùng tay. Nếu trẻ dùng tay, tức khắc cầm đĩa đẩy ra xa đằng trước. Không nhượng bộ ở điểm này, vì sợ trẻ đói. Cách làm của chúng ta “không trước sau như một” sẽ làm cho trẻ rối loạn, mất tự tin, không hòa nhập (tuân theo) những quy tắc (phép tắc).
8.230. Khi trẻ đã biết cầm cốc mà uống (xem 8.227), bạn chỉ rót từ 1/4 đến 1/2 cốc. Thỉnh thoảng trẻ làm đổ nước ra ngoài, vì vô ý, chúng ta không quá quan trọng hóa vấn đề. Thái độ căng thẳng, lo âu của người lớn là một cách tạo căng thẳng và lo âu cho trẻ. Cho nên kết quả sẽ đi ngược lại với điều mong muốn. Trong lĩnh vực sư phạm và giáo dục, chúng ta làm việc “có ý định, chương trình và kế hoạch quy mô, tổ chức”. Tuy nhiên, tình trạng “siêu ý định, siêu ý chí” diễn tả một tâm trạng bất an. Cho nên trẻ tự kỷ “bị lây”, vì tâm trạng mất an toàn và quá lo âu nơi chúng ta.
8.231. Thay quần áo, tháo tất khỏi chân. Ban đầu, dùng một chai nhựa với chiếc tất cỡ lớn của đàn ông, tập mang vào và lấy ra. Sau đó, áp dụng trên chân của mình. 9. Quan hệ xã hội
9.248. Trò chơi cưỡi ngựa gỗ. Người lớn ngồi sau lưng trẻ và đẩy ngựa nhảy tới nhảy lui. Ban đầu đẩy nhè nhẹ. Vừa làm, vừa phát âm “hốp hốp”. Càng lúc càng gia tăng tốc độ cho đến khi trẻ tỏ ra thoải mái, bình tĩnh. Nếu trẻ tỏ vẻ căng thẳng, co quắp, chúng ta giảm tốc độ. Sau đó, người lớn xuống khỏi ngựa và đứng bên cạnh, yêu cầu trẻ chơi một mình.
9.249. Tập cho trẻ hôn bạn bè và người lớn. Cô giáo đến ngồi bên cạnh bé Liên với con búp bê. (Xem 9.246). Sau khi bé Liên đã cho phép búp bê hôn mình và đã hôn búp bê, cô giáo bảo bé Liên: Bây giờ cô làm con búp bê. Cô muốn Liên cũng hôn cô như đã hôn con búp bê.
Nếu bé Liên từ chối, cô giả bộ khóc, để xem phản ứng của bé. Nếu bé Liên vẫn còn lo sợ, ngại ngùng, cô giáo ngưng lại, chờ thử lần khác.
Sau khi bé Liên chấp nhận hôn và được hôn, bảo bé Liên chào hôn bạn bè lúc ban sáng, khi gặp lại nhau. Và khi có cha mẹ, anh chị em đến thăm bé Liên tại trường, bảo bé đến chào hôn mẹ, hôn ba, hôn chị em.
Nhiều người sẽ có nhận xét là chúng ta bắt chước kiểu Âu Tây. Chúng ta hãy mỉm miệng cười và trả lời: cái gì có lợi ích thực sự cho một trẻ tự kỷ, tôi sẵn sàng bắt chước kẻ khác, không chút ngại ngùng, mặc cảm.
9.250. Đưa qua đưa lại một chiếc xe ô tô, hay một quả bóng. Cô giáo và trẻ ngồi xuống sàn nhà. Cô đẩy chiếc xe tới cho trẻ. Và yêu cầu trẻ đẩy xe lại cho cô.
Có thể dùng 2 sợi dây, mỗi người cầm một sợi và kéo chiếc xe về phía mình. Mỗi lần ra đường, thay vì cầm tay kéo trẻ, chúng ta cũng có thể dùng một chiếc vòng nhỏ, để giữ trẻ bên cạnh mình, nhất là ở những nơi đông người, có xe cộ qua lại. Cô giáo cầm một bên.
Trẻ cầm phía kia. Chúng ta cũng có thể dùng sợi dây.