Tôi biết đến tự kỷ từ rất lâu, từ lúc tôi còn chưa vào cấp 3, tôi nhớ cái ngày hôm ấy khi mình tìm được bộ truyện “Đi cùng ánh sáng”. Tôi ắt hẳn lúc đấy rất ít người biết đến bộ truyện này. Hôm ấy là vào một tối chủ nhật, tôi lúc ấy chỉ học lớp 7, cũng cái sở thích đọc truyện tranh như bao đứa trẻ khác. Và gia đình cũng nghiêm khắc, không cho tôi dùng internet hay đọc truyện tranh, chỉ có tối thứ 7, chủ nhật mọi người về Vũng Tàu tôi mới lại lén lút vào phòng anh họ mình để bật máy tính.
Những lúc như thế tôi đều đọc truyện đến 6, 7 giờ sáng. Rồi trong một lần đọc truyện trên trang comic.com.vn tôi tìm thấy bộ truyện này, lúc ấy tôi đơn giản chỉ thấy nét vẽ bộ truyện đẹp mà không biết nội dung truyện nói về cái gì. Rồi tôi đọc, đọc và đọc, rồi tôi chợt nhận ra bộ truyện này nói về một đứa trẻ bị tự kỷ. Tôi vẫn còn nhớ cái cảm xúc mà tôi khóc trong đêm tối khi chứng kiến cha mẹ của Hikaru đã chấp nhận đứa con trai của mình là người tự kỷ như thế nào, tôi khóc khi thấy Hikaru lần đầu tiên trốn dưới bàn và nói lời xin lỗi với cậu bạn trong lớp của mình, và tôi khóc khi chứng kiến cảnh Hikaru tè dầm ở nhà bạn của mẹ, trước sự chứng kiến của em gái, của mẹ và bạn bè của mẹ, và càng thấy đau khổ hơn khi những người bạn đó nói với em gái Hikaru rằng bé sẽ không thể lấy chồng khi có một người anh như thế. Và đó là những hình ảnh cuối cùng mà tôi đọc của bộ truyện tranh này, vì lúc đấy chưa có ai dịch tiếp cả. Và cũng thật bất ngờ, sau 9 năm tôi đi tìm lại bộ truyện mà tôi không nhớ tên, chỉ nhớ chi tiết của nó, tôi lại gặp bộ truyện ấy ở nhà xuất bản Kim Đồng, có lẽ đó gọi là duyên phận. Khi nhìn thấy bức ảnh bìa sách trên facebook của nhà xuất bản, tôi chỉ nghĩ một điều “Rốt cuộc mình đã tìm lại được bộ truyện đấy rồi”. Tôi không biết có nhiều người đọc bộ truyện này không, hay đơn giản có nhiều người biết đến chứng tự kỷ này không. Vì ở đất nước ta không thấy báo đài nào đưa hội chứng này lên để nói cả. Họ chỉ nghĩ đơn giản, tự làm đau bản thân là tự kỷ, không tiếp xúc với người lạ là tự kỷ, không thích nói chuyện là tự kỷ, chỉ vậy mà thôi. Đối với tôi người tự kỷ như một đứa trẻ vậy, họ chỉ lớn chậm thôi, chậm hơn rất nhiều so với một người thường, họ bá đạo giữ những thứ mà họ yêu thích, họ ỷ lại vào những người đối tốt với họ, họ không thể hiện tình cảm của mình nhiều như người khác, nhưng dù chỉ là một hành động nhỏ thôi, chỉ cần kiên nhẫn để ý và tìm hiểu sẽ thấy họ chất chứa nhiều tình cảm hơn người bình thường.
Tôi không dám viết nhiều về hội chứng này, bởi tôi chưa hề tiếp xúc với một người tự kỷ, cũng chưa bao giờ tìm hiểu sâu về hội chứng này. Có chăng tôi đã tiếp xúc với người duy nhất đó là Hikaru, nhưng chỉ thế thôi cũng giúp tôi, một cô bé học lớp 7 hiểu được mình phải đối xử như thế nào với người mắc chứng tự kỷ. Kiên nhẫn và yêu thương đối với tôi thế là đủ, tôi biết có rất nhiều người xa lánh những người bị tự kỷ, tôi thấy như thế thật ấu trĩ làm sao, họ đâu khác gì chúng ta đâu. Đối với tôi, họ chân thành hơn bất cứ ai trên cuộc đời, bởi những gì họ làm đều xuất phát từ trái tim của họ.